Nghệ thuật vẽ sáp ong - Nét tinh hoa trong trang phục truyền thống của phụ nữ Mông

(CVH)- Nghệ thuật vẽ sáp ong là một trong những kỹ thuật tạo hoa văn độc đáo trên trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Mông ở vùng cao Tây Bắc. Được truyền từ đời này sang đời khác, nghệ thuật này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng tinh thần, tín ngưỡng và những câu chuyện dân gian của người Mông.

Đối với phụ nữ dân tộc Mông, vẽ hoa văn trên vải lanh bằng sáp ong là một nghề thủ công truyền thống từ lâu đời

Một tấm vải lanh vẽ họa tiết sáp ong hoàn thiện cần trải qua 2 giai đoạn: Vẽ họa tiết và nhuộm chàm. Công cụ gồm: chảo sắt nhỏ, bút vẽ, vải lanh, sáp ong, nước chàm. Vải thường được dệt từ sợi cây lanh, sau khi giặt sạch được làm phẳng bằng cách trải lên một tấm ván và vuốt bằng nanh lợn rừng. Bút vẽ sáp ong lên vải được làm bằng cán tre, đầu là các tấm đồng nhỏ có cạnh tròn và trơn. Sáp ong được đun nóng chảy và duy trì ở trạng thái lỏng trong suốt quá trình vẽ. Sau khi vẽ xong, vải được mang luộc cho lớp sáp bong hết, sau đó là nhuộm chàm rồi phơi vài lần nắng để được tấm vải lanh hoàn chỉnh. Sáp ong có 2 loại: Màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già; sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70 - 80 độ C để sáp không bị khô. Bút để vẽ là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7 - 10cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ.

Ngày càng có nhiều thiếu nữ người Mông biết vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống

Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng rồi từ sự sáng tạo của mỗi người mà trên vải hiện lên những hoa văn với các họa tiết phù hợp, thể hiện ước muốn ấm no, hạnh phúc. Vẽ xong hoa văn, miếng vải được cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô để tiếp tục các công đoạn khác hoàn thành sản phẩm. Các họa tiết hoa văn trên vải đều có ý nghĩa thể hiện mong muốn và những khát vọng cao đẹp của đồng bào Mông. “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của đồng bào dân tộc Mông là những di sản mang đậm sắc thái văn hóa; thể hiện sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật cũng như bản lĩnh, cốt cách, văn hóa ứng xử của người Mông trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là di sản văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống

Hiện nay, nghệ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ Mông không chỉ được bảo tồn tại các bản làng mà còn được giới thiệu sinh động đến du khách trong và ngoài nước tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây, du khách có cơ hội quan sát tận mắt quy trình vẽ sáp, nhuộm chàm và thậm chí được trực tiếp trải nghiệm hoạt động này cùng với các nghệ nhân. Có thể nói, Nghệ thuật vẽ sáp ong là một minh chứng sống động cho sự phong phú, đa dạng và đầy sáng tạo của văn hóa dân tộc Mông - một di sản văn hóa độc đáo, đầy sức sống đang được gìn giữ và phát huy.

Thúy Nga